Là một nước nông nghiệp, tuy nhiên hiện nay các mặt hàng nông sản (Nông sản ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm sản phẩm từ các ngành trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản) Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn ở cả thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là vấn đề đầu ra cho nông sản.

Giải quyết các khó khăn cho nông sản cần có chủ trương, chính sách và sự phối hợp của các bộ, ban, ngành. Tuy nhiên về phần mình, người sản xuất cần phải chủ động xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị và chứng minh được xuất xứ cũng như chất lượng và sự an toàn của nông sản để từ đó tìm đầu ra cho sản phẩm ở cả ở thị trường nội địa và quốc tế. Việc đạt chứng nhận GLOBAL GAP là bước đi đúng hướng và hiệu quả để giải quyết bài toán khó này.

GLOBAL GAP – Tiêu chuẩn được xem là giải pháp cho nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam hiện nay.

Sau khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã tiếp tục con đường hội nhập kinh tế quốc tế với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra hy vọng về đầu ra cho các mặt hàng nông sản Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay vẫn có tới 85% – 90% lượng hàng nông sản của nước ta ra thị trường thế giới phải thông qua trung gian bằng các “thương hiệu” nước ngoài. Riêng đối với rau quả, Trung Quốc chiếm hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, chủ yếu qua đường tiểu ngạch với các hình thức buôn bán không rõ ràng và rủi ro cao.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các thị trường phát triển trên thế giới còn đặt ra nhiều hàng rào phi thuế quan khác cho nông sản nhập khẩu như rào cản môi trường, kỹ thuật…Để vào được các thị trường khó tính này, nông sản Việt Nam phải đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, an toàn lao động,…, trong khi hầu hết các nhà sản xuất ở nước ta còn ở quy mô nhỏ, và gặp khó khăn khi tiếp cận các tiêu chuẩn và yêu cầu trên. Tuy nhiên, nếu người sản xuất nông sản có được chứng nhận GLOBAL GAP, những khó khăn trên sẽ không còn tồn tại. Bộ tiêu chuẩn GLOBAL GAP không những bao gồm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, an toàn lao động, phúc lợi cho người lao động mà còn đề cập đến các yêu cầu ít được chú trọng ở Việt Nam như về môi trường, bảo tồn đa dạng hệ sinh thái, truy nguyên nguồn gốc sản phẩm…Trên thực tế, GLOBAL GAP đã được các thị trường khắt khe như Mỹ và EU sử dụng như rào cản phi thuế quan để áp dụng lên nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam.

Nhờ áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn như GLOBAL GAP, vải thiều Lục Ngạn đã có mặt ở các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, Anh, mang lại vụ mùa “thắng lớn” nhất trong vòng 60 năm qua cho người trồng vải Bắc Giang

Ở thị trường trong nước, người sản xuất phải đối mặt với tình trạng nông sản thừa, trong khi nông sản nhập khẩu từ các nước khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, xuất hiện trên thị trường ngày càng nhiều. Ngược lại, dù nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông sản sạch là rất lớn, những mặt hàng nông sản được chứng nhận sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm dường như vắng bóng trên thị trường. Nếu được chứng nhận theo GLOBAL GAP, các nhà sản xuất sẽ dễ dàng tham gia các chuỗi cung ứng an toàn và tiêu thụ sản phẩm của mình qua các kênh tiêu thụ sản phẩm sạch.

Không những giúp nhà sản xuất đưa nông sản đến các kênh tiêu thụ, GLOBAL GAP còn giúp các sản phẩm này có được niềm tin của khách hàng và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Giấy chứng nhận GLOBAL GAP là sự đảm bảo rằng thực phẩm đạt được mức độ chấp nhận được về an toàn và chất lượng, và quá trình sản xuất được chứng minh là bền vững và có quan tâm đến sức khỏe, an toàn và phúc lợi của người lao động, đến môi trường. Do đó, nông sản đi kèm với logo GLOBAL GAP sẽ ngày càng đạt được sự hoan nghênh của người tiêu dùng, khi ngày càng nhiều người tiêu dùng chú ý đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Lý do khiến các sản phẩm chứng nhận GLOBAL GAP có được niềm tin của khách hàng cũng như các chuỗi bán lẻ nội địa và quốc tế là những quy định nghiêm ngặt về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), kháng sinh và vệ sinh sản xuất. Khi áp dụng GLOBAL GAP, nhà sản xuất buộc phải có một danh mục phân bón, thuốc BVTV, kháng sinh được phép sử dụng ở nước sản xuất và các thị trường hướng đến. Hệ thống kiểm soát và lưu hồ sơ chặt chẽ giúp cho danh mục này được tuân thủ nghiêm ngặt. Đồng thời, hàng năm nhà sản xuất phải định kỳ lấy mẫu sản phẩm phân tích để đảm bảo nông sản đáp ứng được quy định về dư lượng thuốc BVTV, kháng sinh ở các thị trường tiêu thụ. Cuối cùng, khi thu hoạch, các quy định về vệ sinh đối với người thu hoạch, dụng cụ thu hoạch, chuyên chở, đóng gói giúp đảm bảo đầu ra của quá trình sản xuất là nông sản thật sự “sạch”. Nhờ đó, người tiêu dùng hoàn toàn có thể an tâm về vệ sinh an toàn thực phẩm khi sử dụng sản phẩm được chứng nhận theo GLOBAL GAP.

Hệ thống quản lý chất lượng theo GLOBAL GAP với các quy định chặt chẽ sẽ giúp nhà sản xuất làm chủ được toàn bộ quá trình sản xuất, từ đầu vào đến đầu ra. Đây là cơ sở giúp nhà sản xuất đạt được những hành động cải tiến, hay các hành động phòng chống dịch bệnh, một cách toàn diện, đồng bộ với hiệu quả cao. Ngoài ra, những quy định nghiêm ngặt về vệ sinh, an toàn lao động cũng sẽ giúp nhà sản xuất giảm thiểu những tai nạn gây ra thiệt hại về người và của, kiểm soát chặt chẽ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cho nông sản. Như vậy, có thể thấy chứng nhận GLOBAL giúp người sản xuất tăng cường kiểm soát với quá trình sản xuất, nâng cao hiệu suất của hệ thống quản lý, và giảm thiểu rủi ro cũng như giảm thiệt hại khi xảy ra vấn đề trong sản xuất.

Đánh giá nội bộ – Một công cụ hữu hiệu giúp nhà sản xuất theo GLOBAL GAP kiểm soát được quá trình sản xuất, giảm thiểu nguy cơ, và không ngừng cải tiến.

Tóm lại, ngoài việc đóng vai trò như cầu nối giữa nhà sản xuất và người tiêu thụ, giúp nông sản vượt qua các hàng rào kỹ thuật, xâm nhập vào các thị trường khó tính, các chuỗi bán lẻ trong và ngoài nước, giúp nông sản được người tiêu thụ hoan nghênh, GLOBAL GAP còn giúp người sản xuất làm chủ được hoạt động sản xuất, giảm thiểu rủi ro. Những lợi thế này chính là điểm khiến GLOBAL GAP hiện đang được các bộ, ban, ngành lựa chọn là hướng để đột phá thế khó về đầu ra của nông sản Việt Nam. Có thể nói, trong xu hướng hội nhập quốc tế và cạnh tranh về nông nghiệp ngày càng mạnh mẽ, đạt được chứng nhận GLOBAL GAP là một trong những điều kiện tiên quyết giúp nhà sản xuất nắm được thế chủ động để tồn tại và phát triển trên thị trường nông sản đầy biến động hiện nay.