Tóm tắt nội dung
- Tác nhân và triệu chứng cà phê bị tuyến trùng
- Tác nhân gây bệnh
- Triệu chứng bệnh tuyến trùng
- Cơ chế gây hại của tuyến trùng trên cà phê
- Các biện pháp phòng trừ tuyến trùng cà phê
- Biện pháp canh tác
- Biện pháp sinh học và hóa học
- Các thuốc sinh học trừ tuyến trùng
- Các thuốc hóa học trừ tuyến trùng
Bài viết chia sẻ thông tin về bệnh tuyến trùng cà phê, kinh nghiệm xử lý cà phê bị tuyến trùng hại rễ. Các loại thuốc phòng trừ tuyến trùng hiệu quả được Viện Eakmat (WASI) khuyên dùng. Mời bà con cùng tham khảo
Tác nhân và triệu chứng cà phê bị tuyến trùng
Tác nhân gây bệnh
Tuyến trùng là một loại giun tròn có kích thước rất nhỏ, không thể quan sát bằng mắt thường, có hàng ngàn loại tuyến trùng, chúng có thể tồn tại trong đất, trong nước hoặc môi trường khác. Trong đó một số loài có ích, một số loài gây hại, nhưng hầu hết là gây hại cho cây trồng. Đối với cây cà phê gây hại chủ yếu là 2 loại tuyến trùng có tên khoa học Meloidogyne spp và Radopholus spp. Đây cũng là 2 loài tuyến trùng gây hại cho tiêu, thanh long, bơ,… và nhiều giống cây trồng khác
Triệu chứng bệnh tuyến trùng
Cây bị tuyến trùng biểu hiện thông qua các triệu chứng như vàng lá, sinh trưởng kém dẫn đến cây còi cọc, chồi non không phát triển, phần rễ tơ bị đen đầu, thối rễ, quan sát kỹ thấy có các nốt u, sần trên rễ. Cây bị nặng thì các triệu chứng này còn xuất hiện trên cả rễ lớn.
Tuyến trùng gây hại trong mọi giai đoạn sinh trưởng của cây cà phê, tuy nhiên thường ảnh hưởng nặng nề đến cây trong giai đoạn kiến thiết và cây cưa đốn phục hồi (tái canh). Thường đối với cà phê kiến thiết, tuyến trùng gây hỏng rễ hoặc đứt rễ cọc, rễ rất yếu nên có thể nhổ bằng tay không. Trường hợp cây vượt qua được giai đoạn này thì rễ bị tổn thương, phát triển không bình thường nên dẫn đến sinh trưởng kém, năng suất không đạt.
Cơ chế gây hại của tuyến trùng trên cà phê
Tuyến trùng sinh sống dưới đất, thường làm tổ và đẻ trứng trên rễ, gặp điều kiện thuận lợi sẽ nở ra tuyến trùng con và tiếp tục gây hại. Phần tổ tuyến trùng chính là các nôt u sần trên rễ. Gây cản trở quá trình truyền dinh dưỡng và nước. Ngoài ra bản thân tuyến trùng cũng dùng miệng chích hút nhựa cây, chất dinh dưỡng thông qua rễ cây. Vết thương của tuyến trùng gây ra còn là cơ hội cho các bệnh về nấm, vi khuẩn, vi rút tấn công gây hại cho cây.
Tuyến trùng gây hại quanh năm, nhưng thời điểm phát triển mạnh nhất là vào đầu mùa mưa đến giữa mùa mưa. Khi độ ẩm và nhiệt độ thích hợp. Vòng đời trung bình của tuyến trùng là từ 40-60 ngày. Tuy nhiên trứng thì có thể tồn tại cả năm trong đất. Gặp điều kiện thuận lợi sẽ nở thành con non phát tán và gây hại trên diện rộng. Trứng và con non thường dễ dàng xuôi theo dòng chảy do nước mưa, do việc tưới tiêu cho vườn cà phê.
Các biện pháp phòng trừ tuyến trùng cà phê
Biện pháp canh tác
- Đối với vườn cà phê trồng mới, bà con cần tiến hành cày đất, xới xáo thật kỹ, thu gom và đốt sạch các phần rễ cây còn sót lại trong đất, trồng 2-3 vụ màu và phơi đất ít nhất 1 mùa khô để tiêu diệt con non và trứng
- Khi ươm cà phê giống, cần sử dụng đất sạch, không lấy đất từ các vườn cà phê, vườn cây trồng đã từng bị tuyến trùng. Sau đó xử lý bằng các biện pháp hóa học trước khi đóng bầu.
- Nếu ươm cà ghép, cần sử dụng gốc ghép là cà phê mít hoặc các giống cà phê vối sinh trưởng mạnh (Ví dụ: Giống cà xanh lùn, Giống cà TR4, TR9, TRS1, cà phê dây…) Những giống này ngoài năng suất cao, còn có khả năng hồi phục khá nhanh khi bị tuyến trùng, ít bị ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất.
- Trong suốt quá trình ươm cây giống cà phê trong vườn ươm cũng cần thường xuyên xử lý tuyến trùng bằng các loại thuốc thích hợp (sẽ được trình bày phần sau)
- Đối với cà phê giai đoạn kiến thiết và kinh doanh. Cần thường xuyên kiểm tra quan sát dấu hiệu bệnh, tiến hành phòng bệnh chủ động vào đầu mùa mưa.
- Bón phân cà phê cân đối giữa phân vô cơ và hữu cơ, tránh tạo điều kiện thuận lợi cho tuyến trùng phát triển. Đặc biệt nên bón phân hữu cơ có chứa nấm đối kháng Trichoderma. Vừa có tác dụng giúp vi vật có ích phát triển, vừa hạn chế nấm bệnh phát triển kèm với tuyến trùng
- Mùa khô tưới nước không nên tưới tràn, hạn chế tuyến trùng lây lan
Biện pháp sinh học và hóa học
Bà con nên ưu tiên các loại thuốc có nguồn gốc sinh học trước khi dùng thuốc hóa học, vì thuốc hóa học có thể tiêu diệt tuyến trùng nhưng đồng thời cũng tiêu diệt các sinh vật có ích trong đất. Việc xử lý tuyến trùng cần được tiến hành định kỳ hàng năm, ít nhất 1 lần vào đầu mùa mưa và 1 lần vào giữa mùa mưa. Không để khi bệnh tiến triển nặng thì khó xử lý dứt điểm được. Việc sử dụng thuốc cần tham khảo hướng dẫn sử dụng trên bao bì và ý kiến của cán bộ khuyến nông trong khu vực
Các thuốc sinh học trừ tuyến trùng
- Thuốc chứa nấm ký sinh chuyên săn tuyến trùng – Paecilomyces Lilacinus (BIO PAECIL, PALILA 500WP, TKS – NEMA)
- Các thuốc chứa Chitosan (Một chế phẩm nguồn gốc sinh học)
Các thuốc hóa học trừ tuyến trùng
- Thuốc chứa hoạt chất Abamectin (Syngenta Tervigo 020SC…). Loại này được Viện Eakmat khuyên dùng. Do ít độc hại không ảnh hưởng đến con người, môi trường, vật nuôi.
- Thuốc chứa hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl (Wellof 3GR, Nurelle D 25/2.5 EC…)
Trên đây là một số kinh nghiệm phòng trừ tuyến trùng mà Cây giống Tiến Đạt tổng hợp được, bà con có kinh nghiệm hay xin gửi bình luận, gửi email về cho chúng tôi để chia sẻ cùng mọi người. Xin cảm ơn bà con đã theo dõi