Tóm tắt nội dung
- Tác hại của sâu đục thân, đục cành cà phê
- Sâu đục thân mình trắng hại cà phê (Xylotrechus quadripes)
- Đặc điểm hình thái, sinh trưởng
- Đặc điểm gây hại
- Sâu đục thân mình hồng hại cà phê (Zeuzera coffeara)
- Đặc điểm hình thái, sinh trưởng
- Đặc điểm gây hại
- Các biện pháp phòng trừ sâu đục thân, sâu đục cành cà phê
- Phòng trừ bằng biện pháp canh tác
- Phòng trừ bằng biện pháp hóa học
- Một số thuốc thuốc trừ sâu đục thân, đục cành hại cà phê
Ở bài viết này vườn ươm cây giống Tiến Đạt sẽ cùng bà con tìm hiểu về sâu đục thân trên cây cà phê, sâu đục cành hại cà phê. Có nhiều loại sâu bọ hại thân, cành. Nhưng trên cây cà phê phổ biến nhất và gây hại nặng nề nhất, vẫn là hai loại sâu mình trắng và sâu mình hồng. Gọi là sâu nhưng thực ra là giai đoạn ấu trùng của một loài bướm và một loài bọ thuộc họ xén tóc. Hy vọng thông tin chúng tôi sắp trình bày sẽ giúp ích cho bà con trong quá trình phòng trừ sâu bệnh cho cây cà phê, mời bà con cùng tham khảo.
Tác hại của sâu đục thân, đục cành cà phê
Từ tên gọi ta đã dễ dàng nhận ra tác hại của loại sâu bọ này. Chúng thường tấn công vào thân, cành (bao gồm cả cành mang trái và cành chính) gây chết phần thân, cành bên trên. Trường hợp không có các biện pháp canh tác, biện pháp xử lý phù hợp, có điều kiện thuận lợi, chúng sẽ dễ dàng phát triển thành dịch, gây hại nghiêm trọng đến vườn cà phê.
Sâu đục thân – đục cành thường tấn công vào các vườn cà phê kiến thiết và kinh doanh những năm đầu. Làm giảm năng suất, chết cây, trường hợp cây chống chịu được thì cũng sinh trưởng chậm, lá vàng còi cọc, cành và thân dễ gãy đổ. Một số biểu hiện thường thấy khi bị sâu đục thân
- Cây có toàn bộ lá phía trên ngọn bị vàng héo, các lá phía dưới còn xanh tốt, cây mọc thêm nhiều chồi thân.
- Trên thân có những đường lằn nổi lên theo vòng, vỏ bị nứt nẻ, có những lỗ đục đường kính 2-3 mm.
- Lỗ do sâu đục thân mình hồng còn phát hiện thấy phân sâu đùn ra, dễ nhận thấy bằng mắt thường
- Phần cây và cành bị sâu đục dễ bị gãy ngang tại vị trí sâu sinh sống.
- Chẻ dọc thân cây thấy có đường rãnh sâu đục, phát hiện có sâu non.
Sâu đục thân mình trắng hại cà phê (Xylotrechus quadripes)
Đặc điểm hình thái, sinh trưởng
Là ấu trùng của một loại bọ có tên khoa học Xylotrechus quadripes, thuộc họ xén tóc. Vòng đời trung bình khoảng 6-8 tháng. Gây hại chủ yếu ở giai đoạn ấu trùng. Các giai đoạn phát triển bao gồm
- Trứng: 30-32 ngày
- Sâu non (ấu trùng): 60 – 120 ngày
- Nhộng: 30 – 35 ngày
- Con trưởng thành: 25 – 30 ngày
Con non hình dáng như con sâu, màu trắng hoặc vàng, trên thân có nhiều đốt, phía đầu to, phía đuôi nhỏ dần. Con trưởng thành có cánh, đầu màu xám, cánh và thân màu đen, trên cánh có các đường vân màu trắng. Chúng thường sinh sản quanh năm, nhưng có 2 đợt chính là tháng 4,5 và tháng 10,11. Con trưởng thành đẻ trứng ở thân cây, các kẽ nứt, trứng nở thành sâu con và bắt đầu đục vào thân, cành gây hại.
Đặc điểm gây hại
Ấu trùng (sâu non) sau khi nở tuy nhỏ nhưng hoạt động rất nhanh nhẹn, chúng đục vào cành – thân cây, đục ngoằn ngoèo trong thân, cắt ngang các mạch gỗ, đục tới đâu thì đùn phân lấp kín tới đó. Khi gần chuyển thành nhộng, ấu trùng đục ra sát phần vỏ và hóa nhộng tại đây
Đặc điểm hình thái, sinh trưởng
Đây là giai đoạn ấu trùng của một loài bướm có tên khoa học là Zeuzera coffeara. Con trưởng thành hình dáng con bướm (con ngài) dài 20-30mm màu trắng, cánh có nhiều chấm xanh biếc, trên thân nhiều lông trắng. Sâu non (ấu trùng) có thân dài 30-50mm, màu hồng hoặc đỏ. Nhộng dài 15-35cm, vẫn sống trong cây. Con trưởng thành thường đẻ trứng tập trung thành dải ở chồi non, nụ hoa. Mỗi lần có thể đẻ từ 400 đến 2000 trứng
Đặc điểm gây hại
Trứng sau 14-16 ngày, nở thành ấu trùng, thời gian đầu ấu trùng rất nhỏ, nhưng hoạt động nhanh nhẹn. Đục vào cành tăm hay đốt non. Tạo thành lỗ tròn trên thân và cành. Ấu trùng có 6 lần lột xác, mỗi lần lột xác lại chuyển vị trí sinh sống, gây hại trên phần thân và cành lớn hơn.
Khi đục trong thân, đục tới đâu thì đùn phân ra tới đó, nên dễ dàng quan sát bằng mắt thường. Phá hủy các mạch gỗ, làm phần thân bên trên không lấy được dinh dưỡng và nước, vàng héo rồi chết dần. Cành và thân bị sâu đục cành tấn công rất dễ gãy đổ khi gặp gió hoặc ngoại lực tác động
Các biện pháp phòng trừ sâu đục thân, sâu đục cành cà phê
Nhìn chung sâu đục thân mình trắng và sâu đục thân mình hồng sinh trưởng + gây hại như nhau, do đó cách phòng trừ cũng tương tự nhau. Bao gồm biện pháp canh tác và biện pháp hóa học
Phòng trừ bằng biện pháp canh tác
- Trồng các cây che bóng tán rộng, giảm cường độ chiếu sáng (Có thể trồng sầu riêng thái hoặc bơ sáp trái vụ để tăng thu nhập)
- Cắt tỉa cành tạo tán cân đối, bảo đảm phần thân cành được che phủ từ trên xuống dưới
- Cắt bỏ phần thân, cành đã bị sâu tấn công, dùng móc sắt để bắt sâu
- Tiêu hủy phần thân, cành đã bị hại tránh sự lây lan của sâu đục thân
- Thường xuyên thăm vườn, quan sát và phát hiện con trưởng thành, có biện pháp xử lý kịp thời
- Bảo vệ các loài thiên địch như loài ong Apenesia sahyadrica Azevedo & Waichert.
- Sử dụng bẫy đèn, bẫy dính để bẫy con trưởng thành
- Bên cạnh đó, cũng nên bón phân cân đối và sử dụng giống cà phê sinh trưởng mạnh, giúp cây có sức đề kháng vượt qua được giai đoan sâu bệnh. Một số giống sinh trưởng mạnh, năng suất cao bao gồm: Giống cà phê xanh lùn, giống 138, giống 414, giống vối lai TRS1, giống cafe dây…
Phòng trừ bằng biện pháp hóa học
Phun các thuốc trừ sâu có tính nội hấp, thấm sâu. Phun vào giai đoạn đầu và cuối mùa khô, đây là giai đoạn nhộng lột xác thành con trưởng thành. Đẻ trứng và gây hại nhiều nhất. Các thuốc thường sử dụng có hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl + Cypermethrin, Diazinon, Fenobucarb, Dimethoate… Các thuốc này ngoài tác dụng tiêu diệt sâu đục thân, đục cành còn giúp phòng trừ các sâu bọ gây hại trên cây cà phê khác như: rệp sáp hại cà phê, ve sầu hại cà phê, các loại rệp hại cà phê…
Một số thuốc thuốc trừ sâu đục thân, đục cành hại cà phê
- Thuốc chứa họat chất Chlorpyrifos Ethyl + Cypermethrin: Tungcydan 55EC
- Thuốc chứa họat chất Diazinon : Diazol 10G
- Thuốc chứa họat chất Fenobucarb : Nibas
- Thuốc chứa họat chất Dimethoate : Bini 58
Trên đây là một số thông tin về các loài sâu đục thân, sâu đục cành hại và cách phòng trừ hiệu quả, bà con có kinh nghiệm hay xin hãy chia sẻ cho mọi người cùng biết, bằng cách bình luận bài viết, gửi email về vuacaygiong.bmt@gmail.com hoặc nhắn tin qua Fanpage: Cây Giống Eakmat Tây Nguyên.