Là một cường quốc về cà phê, thế nhưng ngay trên chính sân nhà của mình, nhiều loại cà phê Việt đang gây mất niềm tin của người tiêu dùng.
Những năm gần đây thị trường cà phê đầy biến động, cà phê giả tràn lan, cà phê thật thì mất chỗ đứng, người tiêu dùng không biết cách phân biệt.
Thực trạng đáng báo động về vệ sinh an toàn thực phẩm và một bộ phận giới kinh doanh dùng mọi thủ đoạn để thu lợi, bất chấp sức khỏe, tính mạng của người dân để đạt được lợi nhuận đã gây ra bức xúc cho người tiêu dùng. Cà phê giả không chỉ gây tổn hại đến sức khỏe, kinh tế của người tiêu dùng mà còn khiến người tiêu dùng hoang mang, mất dần mất lòng tin vào chính sản phẩm của người Việt.
Khảo sát ngoài thị trường có thể dễ dàng nhận thấy, bên cạnh những cửa hàng cà phê lớn có thương hiệu thì hiện nay dịch vụ cà phê bình dân như cà phê dạo, cà phê quán cóc… cũng xuất hiện khá nhiều vì tiện lợi, giá rẻ. Cà phê được pha sẵn trong những bình lớn để trong thùng đá giữ lạnh rồi pha cho khách, thêm đường sữa, tạo bọt cho đá vào. Những ly cà phê này đều được người bán quảng bá là cà phê nguyên chất những thành phần ra sao, pha trộn như thế nào thì chả ai biết được.
Để có những tách cà phê thơm-ngon với giá vài nghìn đồng được bày bán tràn lan trên thị trường, các cơ sở sản xuất cà phê giả trộn thêm rất nhiều phụ gia và tạp chất như ngô, đậu tương, cỏ cau, vỏ cà phê nướng cháy vào cùng cà phê. Những loại nguyên liệu này vừa tạo nên độ thơm, ngậy sau khi rang, đồng thời cũng có vị đắng khiến người tiêu dùng lầm tưởng là cà phê.
Đáng lo ngại hơn, để tạo mùi, nhiều cơ sở sản xuất còn sử dụng tinh cà phê, chủ yếu làm từ hóa chất, chứa nhiều tạp chất, kim loại nặng độc hại. Những hương liệu hóa chất này dễ dàng mua tại các cửa hàng hương liệu với nguồn gốc khó đảm bảo sự an toàn. Môi trường sản xuất cà phê giả cũng thường ẩm thấp, không đảm bảo vệ sinh với các dụng cụ cuốc, xẻng, công cụ rang, xay thô cũ kĩ, lạc hậu.
Việc rang cháy đậu nành để cho giống cà phê thật sẽ làm phân hủy các thành phần dinh dưỡng và sản sinh ra các chất rất độc hại cho người sử dụng. Việc cà phê giả hoành hành cũng một phần xuất phát từ thói quen tiêu dùng khi mà cách đánh giá cà phê ngon của người Việt vẫn chủ yếu dựa vào hương liệu, phụ gia.
Nắm bắt yếu điểm của người tiêu dùng Việt thích dùng cà phê có 4 đặc điểm “đặc, đắng, sánh, bọt” do đó các hộ sản xuất thường pha trộn tạp chất nhằm đáp ứng thị hiếu, gu thưởng thức của người dùng.
Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất cà phê kém chất lượng cũng đã được phát hiện và đình chỉ kinh doanh, tuy nhiên đó chỉ là con số rất nhỏ trong hàng trăm, hàng nghìn những cơ sở chế biến, rang xay cà phê mà các cơ quan chức năng chưa thể quản lý hết.
Theo Nhịp sống kinh tế