Để sản xuất rau, màu cho hiệu quả kinh tế cao trong vụ đông 2017 trước những biến đổi khí hậu khó lường, nhà nông cần lưu ý và áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật.
Rau, màu vụ đông sớm
Thường cho thu nhập cao vì tranh thủ được thị trường đang khan hiếm, song thời tiết có nhiều bất lợi, đặc biệt là mưa lớn thường xuyên. Việc chọn giống và áp dụng các biện pháp canh tác phải được thực hiện một cách có chọn lọc, khắt khe mới giành được thành công.
Thăm quan mô hình trồng cải bắp VietGAP tại Hải Dương
Người trồng nên chọn giống rau màu là con lai F1, có khả năng chịu nhiệt, chịu úng, thân lá cây cứng chắc… để gieo trồng. Các cây trồng ưa ấm, chịu nhiệt thuộc họ bầu bí, họ cà, họ thập tự được ưu tiên phát triển.
Chọn chân đất vàn cao, thoát nước tốt lên luống trồng rộng và cao hơn so với chính vụ và vụ muộn. Không nên làm đất quá nhỏ. Phân hữu cơ dùng bón lót cần được xử lý kỹ và bón vào giữa luống, giữa hai hàng cây, trồng cây cao so với mặt luống, tuyệt đối không trồng thấp, tránh đọng nước ở gốc gây thối gốc rễ và không trồng trên phân hữu cơ. Có thể áp dụng biện pháp phủ luống trồng bằng rơm rạ hoặc sản phẩm hữu cơ đối với cây cải củ, cà rốt và màng phủ nông nghiệp với các loại cây rau màu khác.
Vì thời tiết hay có mưa nên cây giống cần được áp dụng kỹ thuật sản xuất cây bầu. Khi cây giống đủ tuổi, khỏe, không sâu bệnh đem trồng. Không nên trồng cây quá chặt gốc.
* Lưu ý: Để có bộ rễ cây khỏe, chống úng tốt thì ngay từ lúc cây con trong bầu và giai đoạn cây non sau trồng cần bổ sung vào vùng rễ cây một lượng nấm cộng sinh (chế phẩm Rhizomyx) theo liều lượng khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc các chế phẩm siêu lân tưới gốc.
Phân bón và cách bón phân cần xem xét và tuyển chọn kĩ lưỡng. Bón lót bằng nguồn phân chuồng hoặc phân hữu cơ thay thế, phân vô cơ cần bón cân đối (giảm đạm và tăng kali, bổ sung canxi, vi lượng qua lá định kì). Các cây họ dưa bầu bí trồng bằng màng phủ cần bón lót phân hữu cơ 100% và khoảng 80% lượng phân vô cơ (sử dụng NPK chuyên dụng như phân Đầu Trâu, Ninh Bình…).
Tuyệt đối không lạm dụng các chất kích thích sinh trưởng, thuốc BVTV phun cho rau để nhằm tăng năng suất.
Rau vụ đông sớm trong thời tiết ấm, ẩm sẽ có nhiều loài sâu bệnh hại. Cần chú ý phòng trừ kịp thời, lưu ý với các loài bệnh nguy hiểm như bệnh thối rễ chết rũ cây, bệnh chết thắt thân, bệnh sương mai, đốm nâu, cháy bìa lá vi khuẩn… Các loài sâu ăn lá, chích hút cũng sẽ phát sinh gây hại mạnh nhất là khi thời tiết nắng nóng kéo dài, tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”.
Nếu thiết kế nhà lưới, nhà màng thì nên ưu tiên chọn các cây trồng chịu nhiệt có giá trị kinh tế cao, khó sản xuất trong điều kiện đồng ruộng như các giống dưa kim, cần tây, tỏi tây, cà chua, dưa chuột… Lưu ý phòng trừ tốt bệnh sương mai và đối tượng bọ trĩ, bọ phấn dễ phát sinh gây hại.
Rau màu chính vụ
Thời tiết vụ này ưu tiên nhiều loại rau màu sinh trưởng và phát triển thuận lợi song giá cả lại thường thấp, nhất là khi gieo trồng phổ biến. Người trồng cần bố trí đa dạng nhiều chủng loại, chia làm nhiều trà/lứa để tránh lúc rẻ lượng nhiều.
Lựa chọn các giống có thời gian sinh trưởng trung bình, năng suất cao, chất lượng tốt thích hợp thị hiếu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu như các giống cải bắp năng suất: Cross, SaKata VL 560, SaKata – No71; giống súp lơ SaKata 1506…; giống cà rốt Ti103, Super VL444; giống dưa chuột Ninja 179, Marinda, Cúc 71, Cuc 336, PN272, Galaxy102, PC4, Nếp lai 5, Xuân Yến…; khoai tây có giống Solara, Atlantic…
Các biện pháp kĩ thuật không đòi hỏi khắt khe nhưng cần tuân thủ theo quy trình kĩ thuật để đảm bảo cây rau có năng suất cao, phẩm chất tốt và an toàn cho người sử dụng. Các vùng rau được sản xuất theo chuỗi phục vụ cho xuất khẩu cần tuân thủ kĩ thuật theo yêu cầu của đơn vị thu mua nhằm đảm bảo sản phẩm có năng suất, chất lượng cao, mẫu mã đẹp và an toàn khi sử dụng.
Ứng dụng công nghệ cao để sản xuất cần chọn đối tượng cây rau, màu trồng cho hiệu quả kinh tế cao như: Cà chua quả nhỏ phục vụ ăn tươi, sản xuất dưa chuột đông trái vụ, sản xuất hoa lan, hoa lily phục vụ Tết Nguyên đán, sản xuất giống khoai tây sạch bệnh, sản xuất củ khoai tây siêu bi làm giống hoặc duy trì giống các chủng loại hoa mùa hè… Cần lưu ý phòng trừ các đối tượng như bệnh sương mai, phấn trắng, sâu chích hút.
Rau, màu vụ đông muộn
Do điều kiện nhiệt độ thấp, mưa phùn, thiếu ánh sáng… Vì vậy, trong sản xuất rau màu cần chú ý chọn vùng đất bãi ven sông, đất vàn cao, thành phần cơ giới nhẹ kết hợp các biện pháp kỹ thuật lên luống cao, mật độ trồng phù hợp (không trồng dày), giảm biện pháp tưới thấm, tưới rãnh, áp dụng phủ luống trồng giữ ấm bằng màng phủ nông nghiệp và bón phân cân đối (tăng kali). Chú ý phòng trừ bệnh sương mai và bệnh thối nhũn.
Tại các tỉnh phía Bắc các nhà lưới, nhà màng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao tại thời điểm này, phần lớn tập trung vào thu hoạch rộ các sản phẩm rau, màu, hoa trồng trong vụ đông sớm và đông chính vụ hoặc vào giai đoạn vệ sinh, xử lý nhà để chuẩn bị sản xuất rau màu trong vụ xuân hè vào tháng 2 – 3 năm sau.
* Chú ý: Rau vụ muộn thường hay chịu ảnh hưởng của các đợt rét hoặc sương mù ẩm ướt việc làm vòm khung ni lông giữ ấm, che sương cho cây là việc làm cần thiết và hữu ích cần được áp dụng.
HỒNG PHONG(nongnghiep.vn)